Mỹ và Trung Quốc đang thực sự toan tính gì ở Biển Đông?
Tờ Wall Street Journal ngày 19/5 có bài xã luận cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc đang ngày càng thể hiện quyết tâm thực hiện tham vọng phi lý ở Biển Đông, Mỹ vẫn khẳng định rằng họ không cần phải cố gắng để kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh cam kết "trỗi dậy hòa bình". Liệu cả 2 nước có đang hành động giống như tuyên bố của họ?
Tàu dịch vụ không số của Trung Quốc áp sát chĩa vòi rồng, phun nước vào tàu Kiểm ngư HP 926 của Việt Nam |
Để có được câu trả lời chính xác cho câu hỏi nói trên không phải đơn giản. Một số người tin rằng câu trả lời là có nhưng số khác lại cho rằng cả hai bên đang cố gắng để bảo vệ quyền lợi của họ và tránh một cuộc đối đầu mở.
Mỹ không quan tâm kiềm chế Trung Quốc – chỉ là "đòn gió"
Mỹ đã nói rõ rằng, mục tiêu của họ không phải là tìm cách ngăn chặn Trung Quốc. Khi ở thăm châu Á hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: "Chúng tôi không quan tâm đến việc kiềm chế Trung Quốc".
Tuyên bố của nhà lãnh đạo nước Mỹ không khiến bất kỳ ai ngạc nhiên bởi nếu ông Obama tuyên bố ngược lại, điều đó sẽ kích hoạt phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh, ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác quan trọng giữa hai nước, thậm chí có thể tạo ra xung đột trong khu vực.
Chiến lược của Mỹ đã rõ, nhưng không phải vì vậy mà Bắc Kinh có lý do để bị Mỹ thuyết phục hoàn toàn. Ngay trong nhiệm kỳ đầu giữ cương vị ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã khẳng định quyết tâm theo đuổi chính sách "xoay trục" sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách này rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc chứ không phải bất kỳ quốc gia nào khác.
Thêm vào đó, chính quyền Tổng thống Obama hiện đang thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia mà không có Trung Quốc, thay vào đó là đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Nhật Bản – đối thủ hàng đầu của Trung Quốc.
Giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam |
Quân đội Mỹ cũng công khai kế hoạch điều chuyển lực lượng, theo đó, 60% các tàu của lực lượng Hải quân Mỹ sẽ hiện diện ở Thái Bình Dương vào năm 2020.
Trong khi đó, tháng trước, thông tin từ các phương tiện truyền thông đã chỉ ra rằng, lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương đang có các bước chuẩn bị để sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ các hành động khiêu khích của Trung Quốc trong tương lai tại các vùng biển tranh chấp ở châu Á. Trong đó có việc Mỹ sử dụng các máy bay ném bom chiến lược B2 cũng như tàu sân bay cho các cuộc tập trận gần vùng biển của Trung Quốc.
Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang triển khai các đơn vị lính thủy đánh bộ đến Darwin, Australia; gửi thêm quân tới Philippines; tham gia hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn với Nhật Bản và phát triển các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam.
Trung Quốc có thật sự "trỗi dậy hòa bình"?
Mỹ có thể phủ nhận rằng nước này đang tham gia vào một nỗ lực để kiềm chế Trung Quốc nhưng Bắc Kinh lại xem chính sách xoay trục của Mỹ chính là động thái cản trở tham vọng của họ.
Đồng thời, ngay cả khi Trung Quốc phủ nhận việc nước này đang có ý định thay đổi trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, nhiều chuyên gia và học giả quốc tế đã mô tả "sự trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc là "giả dối".
Chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hoàn thành chuyến công du châu Á, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương – 981 của nước này trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, Trung Quốc còn huy động một lực lượng lớn các tàu, trong đó có cả tàu quân sự để bảo vệ giàn khoan Hải Dương – 981. Các tàu Trung Quốc sẵn sàng đâm và sử dụng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam khi những tàu này tìm cách tiếp cận để yêu cầu phía Trung Quốc đưa giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam (Ảnh AFP) |
Trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang ngược cho rằng họ "có chủ quyền không thể tranh cãi" với các quần đảo ở Biển Đông, Washington đã gọi những hành động mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông là "khiêu khích và vô ích" đồng thời lên án hành động sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Những động thái này của Trung Quốc chỉ chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ không ngần ngại sử dụng sức mạnh "cơ bắp" để bắt nạt các nước láng giềng và thách thức vai trò của Mỹ ở châu Á.
Ngay kể cả trước khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương – 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thượng nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa đã lên tiếng cảnh báo về những hành vi nguy hiểm của Trung Quốc. Ông Graham cho rằng, hành vi "chống lưng" cho Triều Tiên, ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ và thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ là rất đáng lên án.
Nhà khoa học chính trị John Mearsheimer nhận định: "Trong tương lai, có thể sẽ có một cuộc cạnh tranh về an ninh hết sức căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á, căng thẳng thậm chí không loại trừ khả năng có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh".
Tuy vậy, trên thực tế, cả hai bên đều hiểu rõ một cuộc đối đầu sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, đặc biệt là trong mối quan hệ kinh tế (kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước hiện đang đạt mức 500 tỷ USD/năm).
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Cụ thể, Hải quân 2 nước đã có nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực chống cướp biển, hỗ trợ nhan đạo và an toàn hàng hải trong thời gian gần đây.
Mặc dù căng thẳng giữa Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng vẫn đang âm ỉ - Trung Quốc vẫn sẽ cố gắng để không tạo ra hình ảnh một kẻ xâm lược trong mắt cộng đồng quốc tế bởi theo giáo sư Shen Dingli, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Fudan: "Bắc Kinh hiện vẫn cho rằng họ có thể được hưởng lợi rất lớn từ chiến lược trỗi dậy hòa bình mà họ từng tuyên bố"./.
Hùng Cường/VOV online
(lược dịch)
发自我的 iPad
没有评论:
发表评论